So với những loài khủng long nguyên thủy với những hình dáng điển hình của loài bò sát, các loài khủng long gần với họ hàng của các loài chim hiện đại luôn nhận được sự quan tâm của phần lớn người đọc và cả những nhà khoa học trong giới cổ sinh vật học. Trong đó, loài khủng long giàn thiêu Citipati là một sinh vật đặc biệt và dường như từ khi được phát hiện và đặt tên cho đến nay, vẫn chưa ai biết chính xác rằng chúng là những “kẻ trộm trứng chuyên nghiệp” hay chỉ là những “bảo mẫu bất đắc dĩ”.
Chi tiết phân loại Khủng long giàn thiêu Citipati
- Phân loại: Bộ Khủng long chân thú, nhánh Khủng long đuôi cứng, phân nhánh Khủng long đuôi rỗng, phân thứ bộ Khủng long kẻ cướp trứng.
- Phân loại khoa học: Dinosauria, Saurischia, Theropoda, Neotheropoda, Tetanurae, Avetheropoda, Coelurosauria, Tyrannoraptora, Maniraptoriformes, Maniraptora, Oviraptorosauria, Caenagnathoidea, Oviraptoridae, Oviraptorinae.
- Đại diện loài: Citipati osmolskae.
- Phát hiện và đặt tên bởi: Rinchen Barsbold, James M. Clark và Mark Norell (2001).
- Ý nghĩa tên: Cái tên Citipati bắt nguồn từ tiếng Phạn với “citi” có nghĩa là “đám tang/giàn thiêu” còn “pati” có nghĩa là “chúa tể”. Trong văn hóa dân gian Phật giáo Tây Tạng, Citipati là hai nhà sư bị một tên trộm chặt đầu trong khi chìm sâu trong một trạng thái thiền định thường được mô tả như dạng ngồi bất động bao quanh bởi ngọn lửa. Để dễ liên tưởng tới những mẫu hóa thạch được bảo tồn trong tình trạng vô cùng hoàn hảo và nơi tìm thấy mà loài khủng long này được đặt tên là “Citipati”. Trong đó, loài đại diện của chúng được đặt tên là Citipati osmolskae là để vinh danh Halszka Osmólska – một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng với công trình nghiên cứu nổi bật về những loài Khủng long kẻ cướp trứng và những liệu pháp nghiên cứu tại vùng Nội Mông.
Đặc điểm cơ bản của Khủng long giàn thiêu Citipati
- Thời kỳ tồn tại: Tồn tại vào cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 80 đến 75 triệu năm về trước.
- Môi trường sống: Sống trong môi trường sống trên cạn.
- Hóa thạch: Tìm thấy một vài mẫu hóa thạch và tất cả đều được bảo quản trong điều kiện rất tốt.
- Nơi phát hiện: Mông Cổ tại hệ địa tầng Djadochta.
- Chế độ ăn uống: Ăn tạp.
- Chế độ sinh sản: Đẻ trứng, sắp xếp trứng của mình theo vòng tròn đồng tâm lên đến ba lớp và thường có khoảng 20 – 22 trứng, ước tính mỗi quả trứng dài khoảng 18 cm, tương đối lớn so với những họ hàng gần của chúng. Chúng có cách để ấp trứng gần với các loài chim hiện đại nói chung.
- Kích thước cơ thể: Có chiều dài ước tính xấp xỉ 3m.
- Đặc điểm di chuyển: Di chuyển chủ yếu bằng 2 chân sau.
Những điều đặc trưng chỉ có ở Khủng long giàn thiêu Citipati
Khủng long giàn thiêu Citipati được ước tính có chiều dài khoảng 3 mét. Giống như những loài họ hàng gần của mình, Khủng long giàn thiêu Citipati có cổ dài và đuôi ngắn khác thường, so với hầu hết các loài khác. Hộp sọ và bộ xương của chúng cũng có cấu trúc xương khác biệt với các lỗ hở và tương đối xốp. Các nhà khoa học cho rằng đây là một trong những đặc điểm phát triển để giảm bớt trọng lượng cho cơ thể và là một trong những bước tiến hóa đấu tiên để có được cơ thể hoàn hảo thích ứng với việc bay trên không của các loài chim hiện đại.
Một đặc điểm thú vị của Khủng long giàn thiêu Citipati là chúng sở hữu một cái mỏ mập mạp và không có răng. Nhiều người so sánh cái mỏ của chúng có bề ngoài tương tự như của một chiếc thuyền hiện đại. Ngoài ra, mào của Khủng long giàn thiêu Citipati tương đối thấp và dường như được hợp nhất nối liền với phần trên của chiếc mỏ.
Kẻ trộm trứng hay người bảo mẫu bất đắc dĩ?
Việc phát hiện, đặt tên và phân loại cho Khủng long giàn thiêu Citipati không phải là một điều quá khó khăn và mất nhiều thời gian. Không những thế, nhờ việc tìm thấy các mẫu vật hóa thạch được bảo tồn trong điều kiện vô cùng tốt của Khủng long giàn thiêu Citipati mà các nhà khoa học thuộc giới cổ sinh vật học còn có thể có những so sánh và đối chiếu để phục dựng lại nhiều loài họ hàng gần của chúng.
Ít nhất bốn mẫu vật hóa thạch của Khủng long giàn thiêu Citipati đã được tìm thấy ở các vị trí ấp trứng, trong đó nổi tiếng nhất, một mẫu vật lớn có biệt danh “Big Mamma”, được công bố lần đầu tiên vào năm 1995, được mô tả vào năm 1999, và được gọi là chi Khủng long giàn thiêu Citipati năm 2001. Tất cả các mẫu vật tìm thấy trong tư thế đang ấp trứng đều nằm trên đỉnh của tổ trứng khủng long, với các chi của chúng trải đều đối xứng ở mỗi bên của tổ, các chi trước bao quanh chu vi tổ. Tư thế ấp trứng này được tìm thấy ngày nay chỉ ở chim và hỗ trợ một liên kết hành vi giữa chim và khủng long.
Mặc dù trứng khủng long hóa thạch rất hiếm, nhưng trứng Khủng long giàn thiêu Citipati tương đối nổi tiếng trong giới cổ sinh vật học và là bằng chứng giúp các nhà khoa học nghiên cứu về tập tính sinh sản cũng như ấp trứng, cách để ấp trứng của các loài khủng long có họ hàng gần với các loài chim hiện đại nói chung. Trứng Khủng long giàn thiêu Citipati có hình dạng như hình bầu dục thon dài. Trong tổ, Khủng long giàn thiêu Citipati sắp xếp trứng của mình theo vòng tròn đồng tâm lên đến ba lớp và thường có khoảng 20 – 22 trứng, ước tính mỗi quả trứng dài khoảng 18 cm, tương đối lớn so với những họ hàng gần của chúng. Điều này cũng tương đối dễ hiểu khi mà kích thước của một con Khủng long giàn thiêu Citipati thường lớn hơn các loài họ hàng của mình.
Trớ trêu thay, khi phát hiện ra các tổ trứng của Khủng long giàn thiêu Citipati, người ta nhận thấy rằng ngoài trứng của chúng thì trong tổ còn có nhiều trứng khủng long được xác định là của loài Khủng long Nguyên giác (tên khoa học: Protoceratops), Khủng long Byron (tên khoa học: Byronosaurus) và đôi lúc còn là trứng thuộc về các loài khủng long nằm trong liên họ Khủng long mặt sừng (tên khoa học: Ceratopsidae). Tuy nhiên, cách xếp tất cả những quả trứng này (cả của mình và trứng của những loài khủng long khác) của Khủng long giàn thiêu Citipati khiến các nhà khoa học bối rối và không biết Khủng long giàn thiêu Citipati đã tự mình “trộm trứng” của những loài khủng long khác hay là người bảo mẫu bất đắc dĩ khi bị những loài khủng long khác đẻ trứng trong tổ của mình như một hình thức ký sinh.
Lưu trữ và bảo tồn
Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng những mẫu hóa thạch thuộc về Khủng long giàn thiêu Citipati, các bạn có thể ghé thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (The American Museum of Natural History) tại New York, Hoa Kỳ. Ngoài ra, rất nhiều bảo tàng lịch sử tự nhiên và cổ sinh vật học cũng có trưng bày những mô hình phục dựng về Khủng long giàn thiêu Citipati cho mọi người có thể tham quan.
Một số tư liệu tham khảo về Khủng long giàn thiêu Citipati
Khủng long giàn thiêu Citipati là một trong số những loài khủng long nổi tiếng nên có thể nói rằng hiện nay số lượng các tài liệu về loài khủng long này khá phong phú. Các bạn có thể tìm kiếm thông tin về loài Khủng long giàn thiêu Citipati này trên nhiều trang tin khác nhau, trong đó, các trang tin viết bằng tiếng Anh với những thông tin được trích từ các nguồn tài liệu chính xác nhất có thể kể đến như là:
- Nhm.ac.uk – Natural History Museum: Trang tin tập hợp những thông tin phân loại ngắn gọn và chi tiết về Khủng long giàn thiêu Citipati cũng như nhiều loài khủng long khác: https://www.nhm.ac.uk/discover/dino-directory/citipati.html.
- Prehistoric Wildlife: Nơi tổng hợp các nguồn tài liệu về nhiều loài khủng long khác nhau, trong đó có Khủng long giàn thiêu Citipati: http://www.prehistoric-wildlife.com/species/c/citipati.html.
- Dinosaurpictures.org: Nơi tổng hợp những hình ảnh về Khủng long giàn thiêu Citipati: http://dinosaurpictures.org/Citipati-pictures.
Mong rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp đã giải đáp phần nào cho các bạn những thắc mắc về loài Khủng long giàn thiêu Citipati. Nếu có bất cứ thắc mắc hay ý kiến góp ý gì, các bạn hãy để lại bình luận ở bên dưới nhé. Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi để tìm hiểu thêm về nhiều loài khủng long thú vị khác thời tiền sử.